Từ vụ hố

Từ vụ hố "tử thần" trên đường Trường Sa TPHCM: Nghi vấn thi công gian dối, kém chất lượng

Sự cố lún sụt mặt đường Trường Sa tạo thành hố “tử thần” rộng hàng chục mét vuông vào ngày 4.8.2016, như một bằng chứng nữa cho thấy, chất lượng thi công gói thầu số 7 và số 7A thuộc dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) có vấn đề.

Bởi từ khi đưa vào khai thác (8.2012) đến tháng 9.2016, tại 2 gói thầu này đã xuất hiện 59 khiếm khuyết, sự cố liên quan đến lún sụt mặt đường, nổ tại các giếng…

Dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè(giai đoạn 1) chính thức hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 8/2012. Dự án có hơn 20 gói thầu, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Trong đó, gói thầu số 7 (gồm xây dựng tuyến cống bao, cống đào hở, hố ga, thiết bị tách dòng, các giếng và miệng xả ngầm) do nhà thầu liên danh TMEC-CHEC 3 (Trung Quốc) thi công và gói thầu 7A (cống đào hở, hố ga, thiết bị tách dòng - CSO) do liên danh Cty cổ phần Phát triển kỹ thuật XD - Cty TNHH xây dựng công trình Hùng Vương thực hiện.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, trong quá trình tiếp nhận bàn giao đưa vào vận hành, tính đến cuối tháng 8/2016 tại 2 gói thầu số 7 và 7A xuất hiện tổng cộng 59 khiếm khuyết, đã khắc phục được 56 khiếm khuyết, còn lại 3 khiếm khuyết đang khắc phục.

Cụ thể như tại các tuyến cống đào hở, trong tháng 6/2013 xảy ra hố sụt trên tuyến cống dẫn dòng từ CSO C23A về giếng chính S23; tiếp đó tháng 8/2013 xảy ra hố sụt trên tuyến cống dẫn dòng CSO C4C về giếng chính S4; rồi tháng 1/2014 xảy ra tình trạng lưu lượng nước thải dẫn dòng từ CSO C27A về giếng phụ S27-d1 bị tắc nghẽn.

Nguyên nhân xảy ra các sự cố trên là do chất lượng thi công không đảm bảo, gây hiện tượng hở mối nối cống ở những tuyến cống dẫn dòng từ các CSO về các giếng.

Đáng nói ở gói thầu số 7, tại vị trí gần giếng phụ S3-u1 vào ngày 15/4/2016 xảy ra sự cố lún sụt mặt đường. Nguyên nhân được xác định do tường cừ bản bị hở khiến đất đá bị cuốn trôi và gây sụt. Không bao lâu sau, ngày 4/8/2016 cũng tại gần cạnh giếng phụ S3-u1 tiếp tục bị lún sụt mặt đường, tạo thành hố “tử thần” rộng hàng chục mét vuông, sâu 3m.

Sau khi đưa robot có gắn camera quan sát vào lòng cống dò tìm, các đơn vị liên quan mới xác định được nguyên nhân là do mối nối đốt cống số 16 bị hở dẫn đến mặt đất bị lún sụt.

Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TPHCM cũng xác định, đoạn bị sụt lún ngày 4.8.2016 thuộc trách nhiệm về nhà thầu liên danh TMEC-CHEC 3. Liên danh TMEC-CHEC 3 cũng nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả bằng cách sẽ cô lập đoạn cống bị hở, tiến hành đóng cừ, kéo đầu cống lên để phủ bêtông, trám lại mối nối đốt cống, dự kiến thời gian sửa chữa trong khoảng 2 tháng.

Đề nghị đánh giá chất lượng công trình đã thi công

Theo nhận định của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, việc hệ thống thu gom nước thải dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè liên tục xảy ra sự cố với tần suất ngày càng cao, nhất là vào thời điểm mùa mưa đã cho thấy có nhiều thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng hệ thống.

Không chỉ dừng lại đó, với những tồn tại bất cập như thời gian qua, nhiều khả năng những sự cố như trên có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm nguồn kênh đã được cải tạo và tốn kém kinh phí cho việc khắc phục...

Vì vậy, Trung tâm kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban QLDA vệ sinh môi trường tổ chức kiểm tra, có phương án khắc phục triệt để hiện tượng lún sụt tại vị trí giếng phụ S3-u1. Đồng thời, rà soát, kiểm tra cống ngầm bằng camera quan sát đối với 18 tuyến cống băng ngang kênh còn lại từ các giếng phụ sang giếng chính trên tuyến cống bao và CSO để đánh giá lại chất lượng công trình đã thi công, tránh xảy ra các sự cố tương tự.

Ông Nguyễn Văn Hùng (kỹ sư xây dựng từng làm việc trong ngành GTVT TPHCM) cho rằng, qua các sự cố lún sụt trên các tuyến cống dẫn dòng, nổ ở các giếng do khí tích tụ không thoát được… thành phố cần chỉ đạo tổng kiểm tra lại chất lượng thi công, thiết kế các gói thầu của dự án.

Bởi lẽ, nếu kiểm tra sớm, phát hiện khuyết tật, sai sót thì buộc các nhà thầu khắc phục hoặc bồi thường; còn càng để lâu hết thời hạn bảo hành, sau này khi xảy ra các sự cố tương tự thành phố phải chi tiền ngân sách khắc phục rất tốn kém và hậu quả khó lường khi xảy ra sự cố nghiêm trọng như lún sụt, nổ tại các giếng...

Một vấn đề cũng đặt ra là thành phố cũng cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, tập thể cá nhân các đơn vị liên quan trước đây đã nghiệm thu, nhận bàn giao từ các nhà thầu vì sao không kiểm tra, phát hiện các khiếm khuyết, để đến khi đưa vào vận hành thì hàng loạt sự cố xảy ra.

Theo Huyền Trân
Lao động