Nghiệm thu hoàn thành dự án đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây

Nghiệm thu hoàn thành dự án đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây

 

(Xây dựng) - Sau hơn một năm thông xe và khai thác toàn tuyến, dự án đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Hội đồng) tổ chức nghiệm thu vào chiều 28/10 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng.


Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì nghiệm thu dự án.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Chất lượng được thử thách

Báo cáo trước Hội đồng, chủ đầu tư, TCty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP HCM nối QL51, sân bay quốc tế Long Thành và QL1.


Hội đồng kiểm tra hiện trường Dự án.

Dự án được chia thành hai dự án thành phần, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỉ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB, ODA và vốn đối ứng của Chính phủ.

Trong đó, dự án thành phần I (đoạn An Phú-Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/giờ với 4 làn xe, rộng 26,5m. Dự án thành phần II (đoạn vành đai II-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ gồm 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 27,5m.

Từ khi chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2/2015 đến nay, tuyến đường đã giúp giảm áp lực giao thông của khu vực. Qua đó, kéo giảm tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh của TP HCM.

Trong quá trình khai thác, xuất hiện một số khiếm khuyết, chủ đầu tư đã thông báo về nhà thầu và được sửa chữa kịp thời phục vụ giao thông thông suốt.

Các ý kiến từ đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đều nhận định công trình cao tốc đáp ứng chất lượng, đề nghị được Hội đồng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Chấp thuận nghiệm thu toàn phần

Theo nhận định của Tổ chuyên gia Hội đồng và cơ quan thường trực Hội đồng thì công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị chủ đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lún ở một số vị trí để có giải pháp bù lún kịp thời nhằm bảo đảm chạy xe êm thuận, an toàn. Theo dõi diễn biến lún trên toàn tuyến. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kích thước các biển báo hiệu, biển chỉ dẫn tại các vị trí ra, vào đường cao tốc để người điều khiển phương tiện giao thông dễ dàng quan sát và nhận biết. Ngoài ra, cần đảm bảo hệ thống thoát nước.


Tuyến đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây được nghiệm thu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, sau thời gian khai thác toàn tuyến, công trình cao tốc TP HCM - Long Thành- Dầu Giây đã khá ổn định; hiện tượng lún cục bộ, bong chóc đã được khắc phục… Công tác thanh tra kiểm toán đã làm cơ bản xong. Về khai thác, lưu lượng xe ngày càng tăng lên.

Trước những ý kiến của địa phương liên quan đến mở thêm đường gom của cao tốc, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng sẽ không làm thêm đường gom, công tác quản lý đô thị cần được địa phương coi trọng để tránh phát triển đô thị bám theo đường.

Đồng tình với những ý kiến, nhận định từ các đơn vị và chuyên gia Hội đồng, thay mặt Hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định, đây là dự án đường cao tốc có chất lượng tương đối tốt. Thực tế chứng minh, sau một thời gian khai thác đã được thử thách, các thông số đều đảm bảo. Hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện. Đường gom, hầm chui, thoát nước… cơ bản hoàn thiện.


Hội đồng chấp thuận nghiệm thu hoàn thành Dự án cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây.

Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư tiếp thu những ý kiến góp ý liên quan đến dự án. Đồng thời lưu ý, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông bắt buộc phải triển khai, đi trước một bước. Do đó, nhất thiết phải mở rộng thêm các làn xe cao tốc, kết nối giao thông giữa các cao tốc. Bên cạnh đó, tình hình phát triển đô thị nhanh, dân số sẽ bám vào hai bên đường, vì vậy, phải thực hiện các biện pháp không thể để cho dân sống ở các nút giao.

 

Ngọc Hà

Báo xây dựng